Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

Hướng dẫn ép xung CPU AMD bằng Ryzen Master – Phần 2: Thực hiện

Cảnh báo: Mặc dù việc ép xung với Ryzen Master dễ dàng hơn một chút, nhưng nó vẫn có khả năng làm hỏng và làm mất bảo hành CPU của bạn. Chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm dù bạn làm theo hướng dẫn trong bài viết này. Nếu bạn chấp nhận được rủi ro, hãy tiếp tục thao tác. Nếu không, xin đừng thử. Cũng xin nói thêm rằng hướng dẫn này dành cho các máy tính để bàn thông thường. Bạn không nên áp dụng nó cho laptop hoặc các máy tính mini.

Làm quen với Ryzen Master

Hãy chạy Cinebench trước và ghi lại điểm số đã
Hãy chạy Cinebench trước và ghi lại điểm số đã

Trước khi bắt đầu thay đổi bất kỳ cài đặt nào trong Ryzen Master, hãy mở và chạy phiên bản Cinebench mới nhất và sử dụng các bài kiểm tra CPU đa nhân và đơn nhân. Mỗi bài kiểm tra mất khoảng 10 phút để chạy. Hãy nhớ ghi lại điểm số của bạn cho mỗi bài kiểm tra, vì chúng sẽ cho phép bạn so sánh hiệu năng khi CPU không ép xung và được ép xung. Trong quá trình benchmark, hãy tắt mọi chương trình đang chạy khác và mọi kết nối không dây và có dây (Bluetooth, Wi-Fi, Ethernet) để có được kết quả chính xác hơn.

Giao diện cơ bản của Ryzen Master
Giao diện cơ bản của Ryzen Master

Khi bạn đã chạy xong 2 bài benchmark, hãy mở Ryzen Master và xem giao diện cơ bản. Bạn sẽ thấy một cột bên trái với các mục menu. Ở dưới cùng, bạn có một số tab, bao gồm Current (Hiện tại), Creator Mode (Chế độ người sáng tạo nội dung), Gaming Mode (Chế độ chơi game), Profile 1 (Hồ sơ 1), Profile 2 và một số tab khác.

Mặc định khi mở Ryzen Master bạn sẽ ở tab “Current”, bạn sẽ được chào đón bằng bảng hiển thị tất cả tốc độ xung nhịp hiện tại cho từng nhân của CPU cũng như một số thống kê, bao gồm nhiệt độ CPU hiện tại, xung nhịp tối đa, tổng công suất tiêu thụ điện, và nhiều thông số khác.

Sau đó, bên dưới hai phần đó, chúng ta có cái gọi là “Control Mode” (chế độ điều khiển), bao gồm các tùy chọn Auto (Tự động), Precision Boost Overdrive (Tự tăng xung chính xác) và tùy chọn Manual (Thủ công). Đó là tất cả các mục mà chúng ta sẽ sử dụng trong bài viết này. Chúng ta sẽ không chạm vào phần “Memory Control” hoặc “Additional Control”.

Thực hiện ép xung

Lý thuyết

Bạn nên tăng từ từ xung nhịp lên 50 megahertz mỗi lần và sau đó kiểm tra xem nó có ổn định không bằng phần mềm benchmark và xem nhiệt độ có nằm trong phạm vi phù hợp hay không. Nếu ổn, hãy tăng xung nhịp lên và kiểm tra lại. Nếu bạn nhận thấy rằng CPU của mình không quá nóng nhưng ở xung nhịp mới, nó không ổn định đến mức bị treo, đơ hoặc văng ứng dụng khi benchmark, thì có thể bạn cần cung cấp thêm điện áp cho CPU, hay còn gọi là chích thêm Vcore.

Để từ từ tăng điện áp, hãy nhấp vào mũi tên lên một lần trong phần “Voltage Control”, thao tác này sẽ ra lệnh cho Ryzen Master tăng mức điện áp lên mốc tiếp theo. Nguyên tắc chung với CPU Ryzen là giữ điện áp CPU của bạn dưới 1,35 volt, với 1,45 volt là mức tối đa. Sử dụng điện áp vượt quá 1,45 volt có thể làm giảm tuổi thọ của CPU.

Nhưng ở phần 1 (click vào đây nếu bạn chưa xem) chúng ta đã đề cập “Ép xung vượt qua xung nhịp boost là điều mà các người chơi hệ ép xung hướng tới”, do đó các bạn có thể bắt đầu bằng cách đẩy xung lên ngang xung boost. Sau đó tăng điện áp từ từ đến khi CPU ổn định. Nếu điện áp đạt ngưỡng 1,45 volt nhưng CPU vẫn không ổn định thì chia buồn, CPU của bạn không ép xung được mà nên để nó chạy ở mặc định thì hơn.

Nếu CPU của bạn ổn định ở xung boost, điện áp chưa đạt 1,45 volt và nhiệt độ CPU dưới 80 độ sau khi chạy benchmark, bạn có thể tăng tiếp xung nhịp lên 50 MHz 1 lần, đến ngưỡng ko ổn định thì quay về mốc ổn định trước và chỉ tăng 25 MHz, rồi 10 MHz, 5 MHz.

Thực hành

Bây giờ, chúng ta hãy bắt đầu. Trong Ryzen Master, hãy nhấp vào tab “Profile 1” ở dưới cùng, đây là nơi chúng ta sẽ thực hiện các thay đổi của mình. Sau đó, chọn “Manual” trong phần “Control Mode”.

chọn “Manual” trong phần “Control Mode” sau khi click vào "Profile 1" ở màn hình chính
Chọn “Manual” trong phần “Control Mode” sau khi click vào “Profile 1” ở màn hình chính

Bây giờ, hãy bỏ nhấp vào các nút bên cạnh “Additional Control” và “Memory Control” (nếu chúng có màu xanh lục) để không vô tình thay đổi bất kỳ điều gì ở 2 mục này.

Bỏ chọn “Additional Control” và “Memory Control”
Bỏ chọn “Additional Control” và “Memory Control”

Tiếp theo, hãy chuyển đến phần “Core Speed (MHz)” và nhấp vào “All Cores”. Nút này có nghĩa là bất kỳ thay đổi nào đối với xung nhịp sẽ được áp dụng cho toàn bộ nhân. Bạn có thể ép xung từng nhân và Ryzen Master đã giúp đặt một ngôi sao cạnh nhân có tiềm năng ép xung tốt nhất, nhưng trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ ép xung trên tất cả nhân.

Để thay đổi xung nhịp, hãy nhấp vào số bên dưới nhân bất kì. Thay đổi số có sẵn thành một số cao hơn và nhấn “Enter” trên bàn phím.

Click All Core và thay đổi số xung nhịp ở cột bất kì
Click All Core và thay đổi số xung nhịp ở cột bất kì

Tiếp theo, nhấp vào “Apply & Test”. Thao tác này sẽ thực hiện một bài kiểm tra rất ngắn, trong đó Ryzen Master sẽ thử xem liệu mức xung này có ổn định hay không. Bài kiểm tra này không đủ tốt để tin rằng CPU bạn ổn định ở mức xung này — nhưng nếu bạn trượt bài kiểm tra cơ bản này, thì chắc chắn mức xung đó không ổn định trên CPU, bạn cần tăng thêm điện áp hoặc giảm xung nhịp đi.

Bấm "Apply & Test” để Ryzen Master kiểm tra sơ bộ mức xung này có ổn định không
Bấm “Apply & Test” để Ryzen Master kiểm tra sơ bộ mức xung này có ổn định không

Giả sử bạn vượt qua bài test của Ryzen Master, hãy chạy tiếp bài test với Cinebench, vừa để xem độ ổn định, vừa xem hiệu năng tăng thêm ra sao. Đồng thời, bạn phải chạy Core Temp để theo dõi nhiệt độ của CPU.

Như trong hình, nhiệt độ CPU là 70 độ, rất ổn
Như trong hình, nhiệt độ CPU là 70 độ, rất ổn

Trong quá trình benchmark, bạn muốn chú ý đến hai điều: nhiệt độ CPU của bạn không vượt quá 80 độ C (giữ ở mức 70 thì càng tốt) và Cinebench không bị đơ hoặc văng ứng dụng. Nếu PC của bạn có thể chạy benchmark trong 10 phút này mà không gặp sự cố hoặc bộ xử lý không quá nóng, bạn có thể quay lại Ryzen Master, tăng xung nhịp và chạy lại Cinebench. Tiếp tục làm điều này cho đến khi bạn gặp một số bất ổn, sau đó thử tăng điện áp CPU và chạy lại các bài kiểm tra.

Nếu CPU của bạn thất bại trong bài kiểm tra Cinebench hoặc ở mức xung vừa cài nhiệt độ quá cao thì bạn nên quay lại mức xung ổn định trước đó nhưng chỉ tăng thêm 25 MHz thôi, nếu chưa ổn thì quay lại mức xung ổn định và chỉ tăng 10 MHz,… cứ thế cho đến khi không tăng được chút nào nữa.

Sau khi tăng xung và test khoảng chục lần, tốn gần nửa ngày, chúng tôi đã ép xung Ryzen 5 2600 lên 4.100 MHz (4.1GHz) trong Ryzen Master, với điện áp là 1.34375 volt. Chúng tôi đặc biệt khuyên bạn không nên sử dụng các thông số này cho CPU của mình, kể cả tên mã giống hệt. Tất cả các bộ vi xử lý, ngay cả khi mua cùng một nơi, đều có khả năng ép xung khác nhau, vì một quá trình gọi là binning, thế nên người ta mới gọi là “xổ số silicon”, và cũng chính vì thế nên ép xung mới thú vị. Nếu ai cũng có thể cài 1 mức xung như nhau thì bộ môn này không khiến nhiều người mê mẩn thế.

Kiểm tra độ ổn định

Khi bạn tìm được mức xung ổn định, đã đến lúc kiểm tra chuyên sâu hơn. Trước tiên, hãy kiểm tra nhiệt lần cuối bằng OCCT, một trong những phần mềm kiểm tra độ ổn định miễn phí.

OCCT, một trong những phần mềm kiểm tra độ ổn định miễn phí.

Chạy OCCT với small data set (tập dữ liệu nhỏ) trong khoảng 30 phút. Nếu nhiệt độ của bạn ở dưới 80 độ C (tốt nhất là dưới 70), thì chúng ta sẽ chuyển sang giai đoạn hai. Nếu không, hãy quay lại Ryzen Master để hạ xung xuống hoặc tăng điện áp cho CPU.

"Stress Test" của Asus Realbench trong bốn đến tám giờ

Giả sử rằng mọi thứ đều ổn, đã đến lúc cho bài thử nghiệm cuối. Chạy “Stress Test” của Asus Realbench trong bốn đến tám giờ và sử dụng một nửa RAM hệ thống của bạn. Tốt nhất là nên làm điều này vào ban ngày, không bật điều hòa và đảm bảo rằng nhiệt độ luôn dưới 80 độ C.

Nếu sau thời gian trên nhiệt độ của bạn luôn ở mức dưới 80, thì bạn có thể yên tâm là mức xung này là ổn định. Bây giờ, hãy chạy lại Cinebench, lần này tắt hết các phần mềm khác và ngắt mọi kết nối mạng. Sau đó, sử dụng điểm số đó để so sánh hiệu năng ép xung so với khi không ép xung mà bạn đã chạy trước đó. Trong trường hợp của chúng tôi, chúng tôi đã tăng điểm đa nhân Cinebench lên gần 800 điểm.

Hãy nhớ rằng Ryzen Master không phải là một ứng dụng ép xung vĩnh viễn. Sau mỗi lần khởi động lại hệ thống, xung nhịp sẽ được đặt lại về mặc định. Bạn chỉ cần đơn giản chọn “Profile 1” và bấm áp dụng cài đặt là được.

Bây giờ, đã đến lúc bạn tận hưởng thành quả ép xung của mình, hãy chỉnh sửa, render video hoặc chơi tựa game mà bạn thích. Hoặc bạn đã nghiện ép xung và giờ là lúc ép xung “Profile 2” từng nhân riêng lẻ hoặc nghịch các cài đặt khác.

Nguồn: Howtogeek.com

Let's block ads! (Why?)


Xem Chi Tiet

Nhung Mon Do Cong Nghe Duoc Yeu Thich

Do Cong Nghe - Phu Kien

0 nhận xét:

Đăng nhận xét